Nếu bố di chúc để lại nhà cho mẹ, thì quyền lợi các con sẽ thế nào?

17-01-2017 04:31:36 PM
Hỏi: Trước khi mất, bố tôi lập di chúc để lại di sản là căn nhà đứng tên chung của bố và mẹ cho mẹ tôi. Đề nghị Quý báo tư vấn, trường hợp này các con có được hưởng di sản không? Mẹ tôi muốn bán căn nhà có cần sự đồng ý của các con không?

Trả lời

1.     Bộ Luật dân sự năm 2005 (BLDS) có quy định: Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung bằng công sức của mỗi người; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung (Điều 219). Căn cứ quy định này, khi bố anh mất, phần tài sản của bố anh trong khối tài sản chung của bố và mẹ anh, tương ứng với ½ giá trị căn nhà, trở thành di sản thừa kế.

Điều 631 BLDS quy định: Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Đồng thời chúng tôi giả thiết, di chúc do bố anh để lại là di chúc hợp pháp. Khi đó, di sản của bố anh để lại, sẽ được phân chia theo di chúc, nghĩa là mẹ anh sẽ là người thừa kế theo di chúc.

Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý, Điều 669 BLDS có quy định về những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản, gồm: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng (1); Con đã thành niên mà không có khả năng lao động (2). Trường hợp này, họ vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật. Như vậy, nếu vào thời điểm bố anh mất, mà trong gia đình anh còn những người thuộc đối tượng nêu trên, thì di sản của bố anh là ½ giá trị căn nhà, còn phải chia cho những người này mà không phụ thuộc vào nội dung di chúc.

2.    Đối với quyền bán nhà, đất: Về nguyên tắc, chủ sở hữu mới có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản (Điều 197 BLDS). Vì vậy, trước hết, người thừa kế phải làm thủ tục khai nhận và phân chia di sản thừa kế, để chuyển di sản thừa kế thành tài sản của mình theo quy định của pháp luật dân sự về thừa kế.

Đối với tài sản là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, người thừa kế phải  thực hiện thủ tục đăng ký chuyển quyền theo quy định của pháp luật đất đai và nhà ở. Sau khi hoàn tất các thủ tục này, người thừa kế (hoặc các đồng thừa kế) trở thành chủ sở hữu mới và có thể định đoạt (bán, trao đổi, tặng cho..) tài sản này.

 

Luật sư Phạm Ngọc Minh