Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về Đề án thành lập thành phố trực thuộc TP HCM đến Thành ủy - UBND TP HCM. Theo đó, Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP HCM trên cơ sở sắp xếp quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.
Khu đô thị với 6 khu trọng điểm, quy mô dân số hơn 1,1 triệu dân
Theo đó, căn cứ các quy định pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đồng ý chủ trương thành lập TP.Thủ Đức trên cơ sở sắp xếp 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021. Thành Phố Thủ Đức sẽ được thành lập theo định hướng hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP nhằm phát huy những lợi thế về vị trí mang tính cửa ngõ, các hạ tầng dịch vụ sẵn có như các khu đại học (đào tạo bậc cao), Khu công nghệ cao (sản xuất tiên tiến), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (trung tâm tài chính và kinh doanh). Ý tưởng lập thành phố Thủ Đức hay thành phố phía Đông được lãnh đạo TP.HCM ấp ủ nhiều năm qua.
Cùng với đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung như xa lộ Hà Nội, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, đường Phạm Văn Đồng... đã và đang được hoàn thiện.
Để thu hút đầu tư vào TP.Thủ Đức, TP.HCM cần làm rõ các điểm nhấn, điểm khác biệt so với các TP trong nước cũng như các trung tâm tài chính, công nghệ trong khu vực châu Á-Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình lưu ý.
Theo phương án quy hoạch được UBND TP.HCM chấm giải Nhất, TP.Thủ Đức gồm 6 khu vực trọng điểm: Công nghệ cao, Đại học quốc gia, Thủ Thiêm, Rạch Chiếc, Tam Đa và Trường Thọ với mỗi khu có mỗi chức năng khác nhau.
Với vị trí địa lý ở nơi cửa ngõ, phù hợp phát triển cả 3 loại hình giao thông đường thủy, đường bộ và metro, khu Trường Thọ (Thủ Đức) được chính quyền thành phố lựa chọn để trở thành trung tâm và điểm nhấn của thành phố Thủ Đức trong tương lai.
70% dự án hạ tầng giao thông thành phố "đổ" vào khu Đông
Những năm gần đây, phía Đông TP.HCM được đầu tư hàng loạt công trình giao thông lớn, có quy mô hiện đại.
Trong tổng số 216 dự án hạ tầng giao thông TP đang thực hiện, có đến 70% đổ vào khu Đông mang tính kết nối như: mở rộng Xa lộ Hà Nội; nút giao Mỹ Thủy, Đồng Văn Cống; cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; đại lộ Mai Chí Thọ; cầu qua đảo Kim Cương; 4 cầu Thủ Thiêm kết nối về Cát Lái, Thạnh Mỹ Lợi.
'Cú nhảy' và thách thức
Theo các chuyên gia, dù chiếm nhiều ưu thế song TP.Thủ Đức sẽ phải đối mặt với muôn vàn thách thức như: ngân sách hạn hẹp, giao thông, hạ tầng cơ sở "khát vốn", kẹt xe, ngập lụt, ô nhiễm...
Bàn về TP.Thủ Đức trong tương lai, anh Dư Tất Đạt (ngụ quận 9, TP.HCM) nói, nhiều người dân kỳ vọng vào thành phố mới. Anh tin tưởng, việc thành lập TP.Thủ Đức sẽ giúp cơ sở hạ tầng khu vực được quan tâm, đầu tư mạnh hơn, nhất là ba tuyến giao thông huyết mạch: Metro số 1, mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và hoàn thành đường vành đai 3.